Bài viết: Bội Ngọc
Người lớn học piano có được ko? Có phương pháp dạy piano cho người lớn tuổi không? Người lớn bận rộn sẽ bắt đầu học như thể nào? Đó luôn là câu hỏi mà các học viên lớn tuổi tìm đến để học piano thường trăn trở.
Không như trẻ em học piano, cách tiếp cận và học piano của người lớn có sự khác biệt. Đa số người lớn băn khoăn khi đến với piano vì nghĩ rằng mình cần phải học như một đứa trẻ và phải mất nhiều thời gian hay gặp khó khăn nhiều hơn khi học. Và thực tế về việc học piano của người lớn như thế nào, Bội Ngọc sẽ chia sẻ cho các bạn từ kinh nghiệm 2 năm dạy piano cho người lớn tuổi của mình.
Người lớn học piano cần một phương pháp, cần học được cách thức để làm điều mình muốn.
Một người lớn muốn học và chơi piano, cần xác định được điều mình muốn là gì? Mục đích chơi đàn để làm gì? Mục tiêu chơi đàn của mình là gì? (đệm hát piano, chơi solo piano các bài hát, hay chơi nhạc cổ điển …)
Đối với từng mục tiêu học đàn khác nhau, sẽ có những cách thức riêng để thực hiện. Dưới đây là những gì cần thiết cho từng mục tiêu học đàn phổ biến nhất của người lớn mà Bội Ngọc thường gặp:
1. Mục tiêu học đàn piano để chơi được một vài bài hát tủ mà mình yêu thích
Có 2 cách để chơi được một vài bài hát tủ mình yêu thích:
♦ Kiến thức nhạc lý (có thể tự chuẩn bị về kiến thức nhạc lý thông qua sách vở về nhạc lý), mục tiêu của việc học nhạc lý cuối cùng vẫn là để hiểu được và đọc được một bản nhạc piano (tức là hiểu được: nốt nhạc này là nốt gì, đánh ở đâu trên đàn, những kí hiệu trên bản nhạc có ý nghĩa là gì và thể hiện nó như thế nào trên đàn).
♦ Luyện ngón – người lớn không cần học luyện ngón, mà cần học cách để luyện ngón. Thực chất đối với người lớn khi học piano, ban đầu việc ngón tay di chuyển không được nhanh nhạy là điều bình thường, chỉ cần kiên trì dành ra mỗi ngày 5-10 phút cho việc luyện ngón là có thể cải thiện được tình trạng tay bị cứng và gồng mỗi khi chơi đàn piano. Mục đích của luyện ngón là khởi động, làm nóng các khớp ngón tay để di chuyển linh hoạt hơn trên đàn, hoặc khi di chuyển thành thục ở 1 thế luyện ngón nào đó rồi, thì sau này gặp những bài hát có cách di chuyển ngón như vậy sẽ không phải bỡ ngỡ và có thể làm được nhanh hơn.
Nếu nói luyện ngón là quan trọng cho việc học đàn piano là đúng, nhưng nó không phải là điều quan trọng nhất với một người lớn học đàn, vì luyện ngón hoàn toàn có thể tự luyện tập được qua thời gian. Điều quan trọng nhất với một người lớn học piano, là biết được kĩ năng và cách để chơi đàn piano một cách độc lập.
♦ Đọc bản nhạc và chơi theo bản nhạc. Sau khi có được kiến thức về nhạc lý, làm quen được với việc di chuyển ngón tay trên đàn, thì người học đàn piano đã bắt đầu có thể đọc bản nhạc và thể hiện bản nhạc trên đàn. Điều này chỉ có nằm ở việc luyện tập, dành thời gian tiếp xúc thường xuyên với đàn, kết hợp với kỹ năng đọc và thể hiện bản nhạc trên phím đàn. Tuỳ vào thời gian dành cho luyện tập mà có người sẽ chơi được 1 bài hát trong vòng từ 2 tuần đến 1 tháng hoặc lâu hơn (tùy vào khả năng khả năng nắm bắt kiến thức thức, kỹ năng cũng như tuỳ vào độ khó của bài hát mà người học chọn).
2-Mục tiêu học đàn để biết cách chơi piano solo được tất cả các bài hát mình yêu thích
* Đối với một người lớn hoàn toàn chưa biết gì về nhạc lý, khi bắt đầu học piano, cần phải có thêm khoảng thời gian 1 tháng để học, luyện tập phản xạ đọc bản nhạc và di chuyển tay trên các phím đàn.
Đây là mục tiêu lớn cần chia ra thực hiện theo 2 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1 (6 tuần học phương pháp, 3 – 6 tháng tự luyện tập)
Ở giai đoạn này, người học sẽ cần tiếp cận được với các kiến thức:
-
Đọc nốt nhạc tay phải
-
Hợp âm (cấu tạo, thế bấm), quy luật đi nốt cho tay trái cho từng dòng nhạc/ chỉ số nhịp khác nhau
-
Kĩ năng về Intro, Fill-in, Kết thúc bài hát solo một cách đơn giản
Giai đoạn này, người lớn cần học phương pháp để biết cách kết hợp được 2 tay với nhau khi chơi đàn (chỉ cần đọc một bản nhạc 1 tay đơn giản, làm thế nào để biết tay trái sẽ chơi kiểu gì, và 2 tay sẽ kết hợp ra sao?)
Đây cũng là phương pháp mà Bội Ngọc đang thực hiện trong Khoá học trực tiếp piano solo và trong DVD/Khoá học trực tuyến Phương pháp piano solo dành cho mọi đối tượng (đặc biệt là cho người lớn tuổi, bận rộn, không có nhiều thời gian để học trực tiếp) của mình (sắp phát hành cuối tháng 8/2016). Mục tiêu của giai đoạn này là người học hiểu được phương pháp để chơi đàn 2 tay và tập chơi kết hợp 2 tay được các bài hát khi có bản nhạc một cách nhanh chóng và có phương pháp.
Giai đoạn 2:
Bắt đầu tìm hiểu về các kiến thức: đặt hợp âm (hoà âm), cảm âm nốt nhạc và hợp âm, các quy luật thế bấm cho tay trái, các kỹ thuật cho tay phải. Mục đích của giai đoạn 2 này là để cho người học có thể nghe và chơi được một bài hát một cách độc lập theo ý mình.
3. Mục tiêu học đàn để tự đệm hát hoặc đệm đàn cho người khác hát
* Đối với một người trưởng thành khi quyết định học piano mà hoàn toàn chưa biết gì về nhạc lý, cần phải có thêm khoảng thời gian 1 tháng đầu tiên để học về nhạc lý và tập thành thục với phản xạ di chuyển hợp âm cho 2 tay trên các phím đàn piano.
Mục tiêu được chia ra thành 2 mức độ chơi:
Mức độ 1 (6 tuần học phương pháp, 1 – 3 tháng tự luyện tập) tự đệm hát/ đệm cho ngừời khác hát khi có hợp âm một bài hát (bản nhạc có hợp âm hoặc lời bài hát và hợp âm)
Đối với mức độ này, người học sẽ cần có những kiến thức chủ yếu như sau để có thể chơi được đệm hát piano:
-
Hợp âm (cấu tạo hợp âm, thế bấm của hợp âm)
-
Kiểu đệm, quy luật đệm (cho từng loại bài hát, dòng nhạc khác nhau)
-
Kĩ năng về Intro, Gian tấu, Fill-in, Kết thúc bài hát một cách đơn giản
Ở mức độ chơi này, người học cần hiểu được phương pháp để khi nhìn hợp âm một bài hát (trên các website hợp âm có sẵn) hoặc một bản nhạc có hợp âm và kết hợp 2 tay để tự đệm hát được.
Mức độ 2: đệm cho người khác hát một cách ngẫu hứng, tự do không cần có sẵn hợp âm và tự cảm âm và ứng biến để chơi.
Ở mức độ chơi này, 2 điều người học cần nhất đó là: kĩ năng thành thục đệm hát ở nhiều tone khác nhau, dịch chuyển tone, cũng như có môi trường để luyện tập cảm âm và ứng biến và linh hoạt với việc người hát hát ở các giọng bài hát khác nhau.