Tìm kiếm sản phẩm

Hỗ trợ trực tuyến

Hình Ảnh

Bản đồ trực tuyến

no photo

Lượt truy cập


  Lượt truy cập: 103722

Chi tiết tin

Âm nhạc có làm bạn thông minh hơn?

16:30 08/05/2019

Vai trò âm nhạc và trí tuệ con người

Âm nhạc có làm bạn thông minh hơn?

  •  
  •  
  • COLIN EATOCK
  • 15.02.2019, 09:56

TTCT - Âm nhạc và não bộ đang là một chủ đề ăn khách. Kể từ khi hai cuốn sách This is your brain on music (tạm dịch: Não bộ âm nhạc của bạn là thế đó) của Daniel Levitin và Musicophilia: Tales of music and the brain (tạm dịch: Kẻ cuồng âm nhạc: Những câu chuyện về âm nhạc và não bộ) của Oliver Sach lọt vào danh mục sách bán chạy nhất của tờ New York Times năm 2007, mối quan tâm tới chủ đề này đã bùng nổ.

Phải chăng một số người “thông minh về âm nhạc” hơn những người khác? (Và tất cả những bài học piano có ích gì không?). Không phải mọi chuyên gia đều đồng thuận rằng việc học nhạc giúp bạn thông minh hơn - về mặt âm nhạc.

 

Nhưng vấn đề phức tạp hơn thế. Thậm chí chỉ bàn chuyện đó thôi cũng đã rất tế nhị: các chuyên gia tôi từng trao đổi cùng đều không thoải mái với cụm từ “trí thông minh âm nhạc” - họ nói nó quá mập mờ. Họ muốn nói về năng khiếu và nhận thức âm nhạc hơn.

Năng khiếu chơi nhạc và năng lực cảm thụ âm nhạc

Năng khiếu âm nhạc, hay khả năng học nhạc, là điều hầu như mọi người đều sở hữu, nhưng không nhất thiết được phân bổ đều: những thần đồng âm nhạc là ví dụ rõ ràng cho sự bất bình đẳng.

Aniruddh Patel, nhà sinh học ở Viện khoa học thần kinh San Diego, chỉ ra rằng năng khiếu âm nhạc có thể là thiên bẩm. “Thực sự có tranh cãi về việc liệu năng khiếu âm nhạc là thiên bẩm hay là sản phẩm của sự đào tạo từ nhỏ - Patel nói - nhưng khá rõ ràng là năng khiếu âm nhạc của mỗi người là khác nhau”.

Với nhận thức về âm nhạc, hay khả năng hiểu âm nhạc, thì câu chuyện lại khác. Nhà nghiên cứu người Pháp Emanuel Bigand mới đây khẳng định hầu hết mọi người có khả năng nhận thức âm nhạc như nhau, dù họ có được đào tạo về âm nhạc hay không.

Các nhạc công được đào tạo có thể hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của âm nhạc (cùng một lô từ vựng chuyên ngành để nói về nó), nhưng những người không được đào tạo vẫn có một hiểu biết mang tính trực giác với âm nhạc.

Tuy nhiên, ở Đại học McGill, Montreal, nhà thần kinh học Robert Zattore đã làm một thử nghiệm, đặt ra giả thuyết là có sự khác biệt đáng kể giữa nhạc công và người thường. “Chúng tôi chơi một nốt ở một khóa nhạc - ông giải thích - rồi lặp lại nốt đó ở một khóa khác, và đặt câu hỏi có phải vẫn là nốt đó không, hay đã là nốt khác.

Chúng tôi thấy rằng những người được đào tạo về âm nhạc có xu hướng nhận biết tốt hơn. Nếu nghiên cứu những người không có đào tạo, sẽ thấy một vài người cũng giỏi y như các nhạc công, nhưng nhiều người khác thì đơn giản là rất tệ”.

Còn một chuyện nữa: rất có thể bạn đã quên mất “hiệu ứng Mozart”. Mốt thời thượng hồi những năm 1990: việc mở các trích đoạn Eine Kleine Nachtmusik (Tiểu dạ khúc - một trong những bản serenade, hay mộ khúc, phổ biến và tiêu biểu nhất của Mozart - người dịch, ND) cho trẻ sơ sinh nghe có cơ sở khoa học rất mập mờ.

Nghiên cứu ban đầu được thực hiện trên các sinh viên đại học ở Đại học California, Irvine. Một nhóm nghe nhạc Mozart, còn nhóm kia thì không. Sau đó họ làm bài trắc nghiệm trí thông minh, và nhóm nghe Mozart có điểm cao hơn chút xíu.

Nhưng theo Glenn Schellenberg, nhà tâm lý học ở Đại học Toronto, mọi hình thức kích thích tinh thần trước khi làm trắc nghiệm trí thông minh đều giúp tạo ra kết quả tốt hơn.

“Âm nhạc thay đổi cảm nhận của bạn, và cảm nhận của bạn thay đổi năng lực nhận thức của bạn - Schellenberg chỉ ra - Điều này được ngoại suy lung tung thành nghe nhạc Mozart thời thơ ấu mang lại lợi ích cho năng lực nhận thức. Mối liên kết giữa hai điều đó thực ra có cao nhất thì chỉ là mong manh”.

Nhưng Schellenberg giữ quan điểm rằng các bài học âm nhạc có thể tạo ra kết quả bền lâu mà việc nghe nhạc bị động không thể. Ông khẳng định là có “những lợi ích nhỏ, nhưng lâu dài và mang tính tổng thể” từ việc học chơi một nhạc cụ.

Vậy âm nhạc có khiến bạn trở nên thông minh hơn không? Có thể - nhưng cũng giống câu trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để được trình tấu ở Carnegie Hall (nhà hát hòa nhạc lớn ở trung tâm thành phố New York - ND)?”, tất cả là do rèn luyện.

 
"Khi các thiên thần chơi nhạc cho Chúa, họ chơi nhạc của Bach" - Isaiah Berlin

 

Nhạc công và người thường

Tất nhiên, có những nhạc công vẫn luôn cảm thấy họ là con nhà nòi - khác “người thường” ở một số điểm căn bản. Và giờ đã có bằng chứng cho chuyện đó: các nhà khoa học nhận thấy não bộ của các nhạc công quả là khác biệt, trong những điểm rất cụ thể.

“Nếu nhìn vào cấu trúc tổng thể não bộ những người được đào tạo về âm nhạc ở mức cao - Patel phân tích - bạn sẽ thấy khác biệt về lượng chất xám ở những vùng não xử lý âm nhạc, như vùng xử lý âm thanh, hay với những người chơi nhạc cụ thì đó là vùng điều khiển hoạt động của đôi tay”.

Zattore đồng ý: “Nhiều thí nghiệm cho thấy rõ ràng là nếu tập nhạc, bạn sẽ thấy những thay đổi trong cấu trúc não bộ gắn với sự tập luyện đó. Có những thí nghiệm cho thấy sự thay đổi lớn hơn nếu bạn bắt đầu tập nhạc từ khi lên bảy. Vẫn có những thay đổi đó nếu bạn bắt đầu muộn hơn, nhưng ít hơn về mức độ”.

Ở đây chúng ta gặp phải một vấn đề kiểu con gà - quả trứng. Liệu việc học nhạc tạo ra thay đổi trong não bộ nhạc công, hay những người sinh ra với một não bộ thông tuệ về âm nhạc có xu hướng trở thành nhạc công? Một điều là chắc chắn: việc bộ não bạn có những đặc điểm đầy hứa hẹn không nhất thiết giúp bạn trở thành một nhạc công giỏi.

“Chuyện bạn có một vỏ não thính giác phát triển đặc biệt không đồng nghĩa với việc bạn sẽ là một nhạc công xuất sắc - Zattore nói - bởi còn quá nhiều yếu tố khác. Nếu bạn vụng về kinh khủng, và lại còn chọn trung hồ cầm (cello), bạn sẽ gặp rắc rối”.

Chúng ta có xu hướng thích những thứ mình giỏi và giỏi những thứ mình thích. Nhưng trong vai trò những người nghe, tại sao con người lại thích âm nhạc?

Chủ yếu là bởi dopamine, một hóa chất dẫn truyền thần kinh do não bộ sinh ra và gắn với cảm giác vui thích - hay “phần thưởng”, như các nhà khoa học thích nói. Chính vì dopamine được giải phóng trong não bộ mà chúng ta ham thích những thứ như tình dục, chất gây nghiện và rock ‘n’ roll - và đủ loại âm nhạc khác nữa.

Đây là lĩnh vực Zattore đặc biệt yêu thích. Trong một thí nghiệm, ông yêu cầu mọi người mang theo những bản thu thứ âm nhạc mà họ đặc biệt muốn nghe tới phòng thí nghiệm. “Mọi người mang theo đĩa nhạc cổ điển, jazz, nhạc dân gian - đủ thứ. Nhưng thứ họ đều có là hoạt động trong hệ thống dopamine. Chúng tôi nhận thấy rằng dopamine được giải phóng khi người ta nghe thứ âm nhạc mà họ thực sự thích - và không có chút dopamine nào khi họ nghe thứ họ thấy bình thường, hay không thực sự thích”.

Lần tới khi có cảm giác vui sướng tới mức run người khi dõi theo một màn trình diễn đặc biệt xuất sắc bản nhạc mà bạn ưa thích, bạn sẽ hiểu tại sao. Đó là dopamine.

Liệu dopamine có xuất hiện với thứ nhạc “khó nghe” không? Đã một thế kỷ trôi qua từ khi Arnold Schoenberg bắt đầu soạn những bản nhạc nghịch tai, phi chủ âm (atonal). Và cũng bằng ấy thời gian, rất nhiều người nghe đã tránh xa thứ âm nhạc đấy như bệnh dịch - một số còn đi xa tới mức cho rằng đó không hề là âm nhạc. Mặt khác, vẫn có những người thực sự yêu thích loại âm nhạc đó.

Khoa học thần kinh có gì để nói về cuộc tranh luận này? Hóa ra không nhiều. Các nhà khoa học không phải nhà phê bình âm nhạc và các câu hỏi kiểu như loại âm nhạc nào là “hay hơn” không mấy hấp dẫn với họ. Nhưng sau một số khơi gợi, vài ý tưởng khoa học đã xuất hiện.

Schellenberg tin rằng âm nhạc phi chủ âm “khó nghe một cách tự nhiên”. Ông nói thêm: “Nếu không có chủ âm, bạn không có gì để nắm bắt, hay không nhìn thấy sự liên kết của các nốt nhạc. Các quãng đồng âm đảm nhiệm vai trò cấu trúc. Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh rất thích nghe các quãng đồng âm”.

“Bạn có thể dùng các bài trắc nghiệm để xác định loại âm nhạc nào khó nghe hơn - Zattore đề nghị - bằng cách thực sự đo đếm nó. Nhưng làm thế không giúp bạn đánh giá được giá trị chất lượng của một tác phẩm âm nhạc. Chỉ vì nó phức tạp không có nghĩa là nó hay, và chỉ vì nó đơn giản không khiến nó dở”.

Patel đề xuất một kiểu thí nghiệm có thể ít nhiều làm sáng tỏ vấn đề. “Có thể chọn một người nghe tự cho là hiểu và biết nghe cả nhạc cổ điển truyền thống như Beethoven lẫn nhạc cổ điển kiểu hiện đại, như Boulez. Sau đó có thể quét não của họ trong khi họ nghe hai kiểu nhạc này.

Rồi có thể so sánh những kích hoạt trong não của người đã nói, “tôi hiểu Mozart và Beethoven nhưng tôi không hiểu Boulez và Stockhausen”. Nhưng vẫn chưa có ai hoàn thành thí nghiệm ấy”.

Vấn đề liên văn hóa

Thật dễ để nói chung chung về “não bộ” - nhưng có 7 tỉ người trên bề mặt Trái đất nhóm lại thành hàng trăm quốc gia và hàng nghìn tộc người. Và một trong những điều ảnh hưởng lên cách con người sử dụng bộ não của họ là văn hóa. Vậy có công bằng không nếu đưa ra những kết luận phổ quát về “não bộ” từ những nghiên cứu chỉ thu hẹp trong thế giới phương Tây? Hay thiên kiến văn hóa là bí mật cấm kỵ của giới khoa học thần kinh?

Patel bảo vệ phương pháp luận của giới khoa học thần kinh: “Đúng là vẫn có sự chỉ trích nhắm vào việc sử dụng khoa học thần kinh để đưa ra những lý thuyết phổ quát về âm nhạc. Các chuyên gia âm nhạc dân tộc từ lâu đã khẳng định có rất ít những điều phổ quát. Nhưng cũng phải nói là một số thứ nhất định có độ phủ rộng”.

Zattore thì thừa nhận cần thêm những nghiên cứu mang tính liên văn hóa: “Các kết quả của chúng tôi dựa trên những đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Phòng thí nghiệm của tôi ở Montreal, và tôi nghiên cứu những người trong khu vực ấy.

Nhưng có một số nhóm ở Trung Quốc hiện đang quan tâm tới nghiên cứu này. Và tôi có một sinh viên Ấn Độ, giờ đã quay lại Bangalore, cô ấy đang cố gắng phát triển nghiên cứu về âm nhạc Ấn Độ”.

Zattore chỉ ra từng có một nghiên cứu về nhận thức âm nhạc được thực hiện ở quốc gia châu Phi Cameroon hồi năm 2009. Thí nghiệm này được thực hiện với người Mafa, những người hầu như chưa hề tiếp xúc với âm nhạc châu Âu.

Họ được yêu cầu nghe trích đoạn các bản nhạc châu Âu và quyết định xem đoạn nào nghe vui tươi, buồn bã hay đáng sợ. Người Mafa có xu hướng đưa ra quyết định giống các quyết định của một nhóm thử nghiệm người châu Âu.

Schellenberg thì quan tâm tới vấn đề phương pháp nghiên cứu hơn là định kiến văn hóa. “Vấn đề là gần như mọi nghiên cứu về não bộ đều “giống như thí nghiệm” (chứ không phải thí nghiệm thực sự - ND) - ông nói, bởi giới nghiên cứu không được chọn mẫu ngẫu nhiên - Bạn không thể chọn ngẫu nhiên một người rồi bắt họ trở thành nhạc công, và chọn ngẫu nhiên một người khác và cấm họ không được làm nhạc công”.

Rốt cuộc, điều quan trọng là phải nhớ rằng giới khoa học thần kinh nghiên cứu âm nhạc không làm thế vì lợi ích của nhạc công. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những thông tin thú vị từ nghiên cứu của họ. Với các nhạc công giỏi, một thông tin hữu ích có thể là “sự hình dung trong não”, hay học chơi một bản nhạc bằng tư duy thay vì các ngón tay.

“Nếu bạn tập trung hồ cầm mỗi tuần một ngày - Zattore nói - chúng ta sẽ thấy sự thay đổi trong não bộ của bạn gắn với năng lực chơi bài tập đó. Nhưng nếu tôi yêu cầu bạn tập luyện trong đầu, mà không chạm vào nhạc cụ, bạn sẽ thấy não bạn phần nào thay đổi y như thế.

Một số người cho rằng tập luyện bằng tư duy thì tốt hơn, bởi bạn sẽ không phải chịu đựng những vấn đề thể chất của việc tập nhạc quá nhiều: chứng chuột rút, vấn đề tư thế, rối loạn trương lực cơ...”.

Nếu đúng như vậy thì đây là tin tốt cho đám sinh viên nhạc viện. Nhưng còn số cực kỳ đông những người chơi nhạc thì sao - những người ở mức thấp hơn một chút, không học nhạc để trở thành một bậc thầy, hay thậm chí là thành nhạc công chuyên nghiệp? Khoa học thần kinh có gì cho họ?

Vào lúc những người dạy nhạc chịu sức ép ngày càng lớn phải tìm ra lý do giải thích cho việc không nên bỏ các chương trình âm nhạc trong nhà trường, mọi “tác dụng phụ” đều được dùng làm lý lẽ cho các chương trình âm nhạc học đường. Âm nhạc dạy tính kỷ luật và kỹ năng làm việc nhóm. Việc học được một nhạc cụ giúp người trẻ cảm thấy mình thành tựu được việc gì đó. Và phải, nhờ những nghiên cứu gần đây, có thể lập luận rằng việc học nhạc giúp người trẻ thông minh hơn.

Đừng coi âm nhạc 
như công cụ

Dù nói như thế, Schellenberg cảnh báo không cần nhấn mạnh quá nhiều vào ý đó. Âm nhạc tự thân nó nên được nhìn nhận là mục tiêu, chứ không phải phương tiện để đạt một mục tiêu khác.

“Các nghiên cứu chỉ ra rằng IQ có tăng một chút - ông nói - Thế nên dần có thêm bằng chứng rằng việc học nhạc có ích lợi ít nhiều cho nhận thức. Nhưng không ai lại biện minh cho các bài học toán là nó giúp khả năng làm thơ tốt hơn”.

Một nơi ẩn náu mà tôi bỏ lỡ là Johann Sebastian Bach. Không biết ngày trước tôi có phản ứng đầy bản năng với Bach như bây giờ không, nhưng chắc chắn tôi thích ông, và biết nhạc của ông từ những cuộn băng mà cha tôi đã tỉ mẩn ghi âm lại từ đài phát thanh cho tôi.

Nhưng trong một trường Thiên Chúa giáo như Regensburg, Bach không thuộc danh sách ưu tiên, và trong ba năm, tôi chưa từng hát bài nào của ông. Trong khi đó, ở Leipzig, Bach là lựa chọn hàng đầu mỗi ngày của dàn đồng ca nhà thờ, thứ âm nhạc xác định âm thanh của nó.

Một bản Misa cung Si thứ ở tua diễn tại Teatro Colón, Buenos Aires hay São Paulo là điểm nhấn của cả một mùa trình diễn - thậm chí là điểm nhấn cả đời. Và ở nhà mỗi chủ nhật, nhạc Bach vang lên ở nhà thờ Thánh Thomas.

Tôi xem và nghe với lòng ghen tị sâu sắc khi những ca sĩ ở đó trình diễn Thọ nạn khúc của Thánh Johnhay nói về niềm vui khôn tả của họ khi biểu diễn. Even Biller cũng nói trong khi bạn không thể biết được Chúa, bạn vẫn có thể có chút cảm nhận về Người trong âm nhạc của Bach.■

Nguyễn Duy Khánh 
(lược dịch theo listenmusicculture.com)