Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội mới. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ ngày càng mang lại nhiều lợi ích, góp phần đưa Học viện xứng đáng là cơ sở đào tạo âm nhạc hàng đầu của cả nước.
Công tác quản lý đào tạo luôn được chú trọng.
Đào tạo âm nhạc hướng tới nhu cầu và sự phát triển ngày càng cao của xã hội
Công tác tuyển sinh và đào tạo của Học viện những năm gần đây đã có những đổi mới, trong đó quan trọng nhất là việc điều chỉnh đối tượng tuyển sinh và nội dung thi tuyển đầu vào để tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh, nhất là hệ Trung cấp, cũng như nâng cao chất lượng nguồn tuyển sinh đầu vào. Thực tiễn tại Học viện, tuyển sinh hệ Đại học phụ thuộc phần lớn vào nguồn đào tạo từ hệ Trung cấp. Vídụ như trong năm học 2017, số lượng tốt nghiệp hệ Trung cấp thấp đã dẫn đến số lượng tuyển sinh hệ Đại học năm 2017 cũng giảm theo.
Trong lĩnh vực đào tạo, công tác tổng hợp, thống kê, phân tích số liệu có vai trò hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý học sinh sinh viên, nâng cao chất lượng dạy và học, giúp đánh giá được tương đối chính xác quy mô đào tạo của từng năm. Công tác quản lý đào tạo được chú trọng từ việc xây dựng kế hoạch đào tạo khoa học cho từng năm học, từng kỳ học, cũng như việc lập thời khóa biểu, bố trí và điều hành quá trình giảng dạy, học tập tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Hệ thống các quy định liên quan đến quản lý đào tạo được tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Một số điểm mới khác cũng được triển khai thực hiện tại Học viện trong thời gian qua như: thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp phù hợp với quy chế đào tạo, hàng năm rà soát ra quyết định buộc thôi học học sinh, sinh viên bỏ học, vi phạm quy chế nhằm tránh số lượng học sinh ảo, triển khai học kỳ III tạo điều kiện cho họcsinh, sinh viên có cơ hội học bù, hoàn thành các môn học, môn thi.
Trong thời gian tới, Học viện tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo các bậc học từ trung cấp, đại học đến sau đại học, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội, yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo nói chung và giáo dục - đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nói riêng, hướng đến mục tiêu tự chủ giáo dục.
Năm 2018, Học viện sẽ triển khai dự án Hỗ trợ đào tạo các ngành và chuyên ngành mang tính đặc thù, triển khai thực hiện đề án Đào tạo tài năng âm nhạc đã được Chính phủ phê duyệt. Đối với các hệ đào tạo Trung cấp và Đại học chính quy, tập trung hoàn thiện việc đánh giá, đổi mới chương trình đào tạo các hệ Trung cấp, Đại học đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của từng ngành, mã ngành.
Bên cạnh đó, Học viện cũng tích cực, chủ động mời các Giáo sư, các nghệ sĩ nước ngoài tham gia giảng dạy, qua đó giúp tăng cường chất lượng, mở rộng giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo âm nhạc
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đang tạo ra những cơ hội mới, những phương thức trao đổi đa dạng, giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Công nghệ thông tin ngày nay đang thay thế các phương tiện thủ công, cải thiện môi trường làm việc và đa dạng hóa các phương thức cộng tác. Thông tin trở thành nguồn lực giá trị, dễ dàng tiếp cận, trao đổi, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trong bối cảnh đó, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo âm nhạc sẽ mang lại ngày càng nhiều những lợi ích cho người sử dụng. Trong hầu hết các cơ sở đào tạo trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các Thư viện, Trung tâm học liệu hay Trung tâm Thông tin - Thư viện luôn đóng vai trò quan trọng, là nơi tập trung, lưu giữ, phổ biến những nguồn tư liệu, dữ liệu, nguồn tri thức nhân loại và kiến thức chuyên ngành tới người dạy và người học.
Trong thời kỳ phát triển hết sức mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện này, việc xây dựng và phát triển thư viện số hoá là xu thế tất yếu để các thư viện Việt Nam, cụ thể là hệ thống thư viện các Trường đại học, Viện nghiên cứu có thể hòa nhập với mạng lưới thư viện ở khu vực và thế giới.
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực âm nhạc cho cả nước cũng như đào tạo những tài năng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc quốc gia và quốc tế. Với mục tiêu đưa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, biểu diễn âm nhạc ngang tầm khu vực và quốc tế thì rõ ràng rằng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển các khoa chuyên ngành, các phòng, ban, viện, trung tâm trong Học viện ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới đã được xác định và đặt ra lộ trình thực hiện, trong đó nhiệm vụ phát triển trung tâm học liệu chuyên ngành âm nhạc quy mô, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao cũng không nằm ngoài phương hướng phát triển của Học viện.
Với mục tiêu phát triển Trung tâm Thông tin - Thư viện Học viện trở thành một đơn vị khai thác, cung cấp tài nguyên chuyên sâu trong lĩnh vực âm nhạc, được quản lý, vận hành một cách khoa học và hiện đại, có khả năng phục vụ và đáp ứng yêu cầu đào tạo, biểu diễn và nghiên cứu khoa học tại Học viện, đồng thời là đầu mối liên kết các thư viện âm nhạc khác trong cả nước, trong giai đoạn tới, Trung tâm cần tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình thư viện số, liên kết với Viện Âm nhạc trực thuộc Học viện để trở thành các cơ sở tập trung nguồn tư liệu âm nhạc số hóa có chất lượng và có quy mô của cả nước.
Định hướng phát triển thư viện số tại Trung tâm trong thời gian tới bao gồm nhiều nội dung cần được quan tâm, đầu tư và thực hiện đồng bộ như: tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện phần mềm Thư viện điện tử, phát triển nguồn nhân lực thư viện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác, phát triển nguồn thông tin số âm nhạc đa dạng, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển Học viện, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và quảng bá nguồn lực thông tin; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng phục vụ và nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, mở rộng hợp tác và liên kết với các trung tâm học liệu, các thư viện trong nước, ở khu vực và trên thế giới.
Viện Âm nhạc là đơn vị nghiên cứu trực thuộc Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chức năng nhiệm vụ chính của Viện Âm nhạc là cơ quan chuyên môn thực hiện việc sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu, truyền bá nền Âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nước và Quốc tế. Đặc biệt trong công tác xây dựng Hồ sơ quốc gia các di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO, Viện Âm nhạc là một trong những đơn vị đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ quốc gia như: Hồ sơ quốc gia Hát ca trù Người Việt, Hồ sơ quốc gia Hát Xoan Phú Thọ, Hồ sơ quốc gia Đờn Ca Tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh và các Hồ sơ quốc gia Hát Bài Chòi miền Trung, Hồ sơ quốc gia Hát Then Tày, Nùng, Thái đã được đệ trình. Ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam của Viện Âm nhạc đã thu thập và tổ chức hàng nghìn dữ liệu hình ảnh, âm thanh, văn bản về các loại hình nghệ thuật độc đáo của 54 dân tộc Việt Nam, để giới thiệu với công chúng, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Những năm qua, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã tiến hành thực hiện số hóa các tư liệu lưu trữ nhiều di sản truyền thống dân tộc. Ảnh minh họa (nguồn Trí Thức Trẻ)
Đặc biệt, trong công tác sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu các tác phẩm, loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống là một trong những biện pháp quan trọng nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật dân tộc. Nhiệm vụ này cũng được đưa ra trong đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020. Hiện các di sản nghệ thuật truyền thống đã được sưu tầm, bảo tồn tại các ngân hàng dữ liệu của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và tại Viện Âm nhạc. Trong đó, Ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam của Viện Âm nhạc được coi là một trong những ngân hàng đầu tiên hình thành được đầy đủ dữ liệu, thông tin liên quan về các thể loại âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc trên mọi miền đất nước.
Những năm qua, Viện Âm nhạc đã tiến hành thực hiện số hóa các tư liệu lưu trữ và đưa nhập vào Ngân hàng dữ liệu được nhiều loại dữ liệu có giá trị khác nhau, bao gồm: chuyển các dữ liệu hình ảnh từ băng Betacam, băng SVHS, lưu trữ vào kho dữ liệu được hơn 2000 file dữ liệu với thời lượng hơn 500 giờ băng; chuyển các dữ liệu âm thanh từ băng cối, đĩa than, băng Cassette, băng DAT lưu trữ vào kho dữ liệu được 1200 file dữ liệu tương đương 300 giờ băng; chuyển các dữ liệu văn bản, tài liệu thư tịch, tài liệu ảnh liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam, các tài liệu về các Hội nghị khoa học, các tài liệu về hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: Hát Xoan Phú Thọ, Hát Ca trù người Việt, Đờn ca Tài tử Nam Bộ, Bài Chòi... vào trong kho dữ liệu với số lượng khoảng 1500 file tài liệu.
Việc lưu trữ dữ liệu của Ngân hàng này được thực hiện trên hệ thống cây thư mục nhiều lớp dưới dạng hai ngôn ngữ Anh và Việt, ví dụ như phần âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn gồm nhiều thư mục nhỏ: các làn điệu dân ca, bài hát cổ truyền, ca kịch, diễn xướng, những điệu múa cổ truyền, múa rối... Trong các làn điệu dân ca lại gồm: hát đồng dao, quan họ, giao duyên, hát ru... tạo thành chuỗi liên kết các thư mục rất thuận tiện cho việc tra cứu. Ngoài ra, những tài liệu liên quan như hồ sơ nghệ nhân, nghệ sĩ, hình minh họa và nhạc cụ dân tộc, tài liệu về các loại hình âm nhạc dân gian cũng được số hóa phục vụ nghiên cứu.
Ứng dụng công nghệ thông tin tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ ngày càng mang lại nhiều lợi ích, góp phần đưa Học viện xứng đáng là cơ sở đào tạo âm nhạc hàng đầu của cả nước.
Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2017-2020, bên cạnh công tác bổ sung, số hoá dữ liệu, công tác điền dã, công tác tổ chức khai thác và phổ biến kho tàng âm nhạc truyền thống dân gian Việt Nam tới công chúng và phục vụ nghiên cứu, đào tạo, biểu diễn, Viện Âm nhạc đề xuất xây dựng dự án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học” giai đoạn 2017-2020 như sau nhằm hoàn thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động và ngày càng đáp ứng được nhu cầu sử dụng thông tin của người dùng, thông qua đó, ngoài mục tiêu đem lại lợi ích nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hoá, các di sản âm nhạc truyền thống dân tộc cho cộng đồng và xã hội, nhiệm vụ lưu trữ, bảo tồn và truyền bá của Viện Âm nhạc sẽ được tăng cường.
Việc số hóa các dữ liệu sẽ ổn định, phục dựng các di sản phi vật thể trên phạm vi cả nước, các di sản, hồ sơ quốc gia trình UNESCO công nhận là đại diện của nhân loại sẽ được nâng tầm. Đồng thời, các thiết bị công nghệ hiện đại tạo cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng giáo trình môn khoa học công nghệ âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, góp phần xây dựng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày ngày phát triển, xứng đáng là cơ sở đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
ThS. Nguyễn Huy Hoàng
Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam